(Chinhphu.vn) - Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc làm việc với tỉnh Lâm Đồng về tình hình triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương, chiều 21/11.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Lâm Đồng, sự vào cuộc của các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn cho các dự án cao tốc trọng điểm - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Báo cáo của tỉnh Lâm Đồng cho biết dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66 km (trong đó đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài 55 km).
Đến nay, hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai đã trình báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở dự án để Bộ GTVT thẩm định với tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng từ 17.200 tỷ đồng lên 18.120 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước vẫn giữ nguyên 6.500 tỷ đồng. Diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng giảm từ 186,21 ha xuống 172,64 ha.
Hai địa phương đã hoàn thiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường; sơ bộ thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi, diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự kiến quỹ đất tái định canh, định cư; chuẩn bị công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư; chuẩn bị mỏ vật liệu phục vụ xây dựng cao tốc…
Tỉnh Lâm Đồng đã xác định các mốc thời gian cụ thể, mốc tiến độ triển khai dự án.
Về dự án cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương dài khoảng 74 km, tỉnh Lâm Đồng đang hoàn thiện cuối kỳ báo cáo nghiên cứu khả thi với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.521 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước 7.761 tỷ đồng; diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng là 3,07 ha.
Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; báo cáo đánh giá tác động môi trường; thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi, diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật…
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về một số điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Trần Đức Quận cho biết, đến thời điểm hiện nay, những khó khăn vướng mắc của dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc đã được giải quyết căn bản dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ, khẩn trương của các bộ, ngành Trung ương.
Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ địa phương trong thẩm định, phê duyệt hoặc hướng dẫn các nội dung liên quan đến dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc để sớm khởi công vào quý I/2024; huy động thêm nguồn vốn cho dự án cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương; tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, các cơ quan liên quan khi thực hiện thu hồi diện tích đất quốc phòng để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Lâm Đồng, các bộ, ngành tiếp tục theo sát tình hình, chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn lại để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cao tốc đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trao đổi về định hướng hoàn thiện quy hoạch tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý: Tư duy quy hoạch phải mở, vừa giữ được định hướng căn cốt, vừa có thể đón đầu thay đổi - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng báo cáo với Phó Thủ tướng về kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội: Tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 6,02%, thu ngân sách đạt 13.213 tỷ đồng, bằng 98,7% cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công đạt 90%; khách du lịch tăng 15,3%, trong đó khách quốc tế tăng 167%,…
Sau khi nghe trao đổi của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, đại diện một số bộ, ngành, Phó Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về định hướng hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát việc phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất theo Quyết định số 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; chính sách giải quyết tồn tại quỹ đất liên quan đến nông lâm trường; đề xuất đầu tư tuyến cao tốc kết nối Khánh Hoà và Lâm Đồng; định hướng nâng cấp, mở rộng sân bay Liên Khương; chủ trương phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với nông nghiệp, dịch vụ môi trường rừng…
Lời Tòa soạn: Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi dào nhưng thực tế nhiều vùng, miền, đặc biệt là khu vực đô thị vẫn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước, thiếu nước sạch. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, biến đổi khí hậu, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm... làm nảy sinh những vấn đề cấp thiết trong bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm nhu cầu chính đáng được sử dụng nguồn nước sạch của người dân.
Báo điện tử Chính phủ đã đi tìm lời giải cho bài toán nước sạch tại khu vực đô thị và trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý về những giải pháp căn cơ để phát triển bền vững tài nguyên nước.
Bài 1: Nguồn cung dồi dào, người dân vẫn ‘khát’ nước sạch
(Chinhphu.vn) – Theo nhận định của các chuyên gia, nguồn nước ngầm đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước và môi trường. Chính vì vậy, mặc dù các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… được đánh giá có lượng nước ngầm dồi dào, song chất lượng nước lại chưa bảo đảm cho mục tiêu sử dụng của người dân.
Việt Nam có nguồn tài nguyên nước dồi dào với 3.450 con sông, suối có tổng chiều dài từ 10km trở lên
Nguy cơ cạn kiệt nước ngầm, ô nhiễm nước mặt
Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cho thấy, suy thoái, ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là do phải tiếp nhận chất thải từ các nguồn xả thải vào sông, suối; chủ yếu bao gồm nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và một lượng không nhỏ chất thải rắn không được kiểm soát.
Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ở hầu hết các cửa sông ven biển với phạm vi và mức độ khác nhau, trong đó diễn ra gay gắt và ảnh hưởng lớn nhất là lưu vực sông Cửu Long.
Đối với nước dưới đất, ô nhiễm kim loại nặng và Amoni trong nước dưới đất được ghi nhận ở hầu hết các địa phương có khai thác, sử dụng nước ngầm lớn; sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp một thời gian dài cũng làm cho nguồn nước ngầm ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Tại TP. Hà Nội, trong tổng số 1,5 triệu m3 nước sạch cung cấp cho thành phố mỗi ngày đêm thì nước ngầm chiếm 770.000 m3, nước mặt 750.000 m3. Tuy nhiên, do khai thác tự phát kéo dài vài chục năm, mực nước ngầm đã sụt giảm, gây sụt lún đất, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước, xâm nhập nước mặt ô nhiễm… gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng khoảng 5% mỗi năm, trong khi đó, tốc độ đầu tư các dự án nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Hà Nội chậm, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng của người dân. Vào những tháng cao điểm hè vừa qua, một số khu vực đã rơi vào cảnh mất nước sinh hoạt như Hoài Đức, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân… dù các nhà máy nước Sông Đà, Sông Đuống và Yên Phụ đã vận hành tối đa công suất.
Việt Nam hiện có 3.450 con sông, suối có tổng chiều dài từ 10km trở lên, với tổng lượng nước khoảng 7.936 tỷ m3, tức là trung bình cả năm 936.000 tỷ m3. Với lượng tài nguyên như vậy, nếu xét theo bình quân đầu người, Việt Nam không phải quốc gia thiếu nước.
Tuy nhiên, sản lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 40% còn 60% xuất phát từ nước ngoài, Việt Nam chỉ đạt 4.421 m3/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Đông Nam Á là 4.900 m3/người/năm.
Để bảo vệ nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã rà soát không cấp phép đầu tư xây dựng các nhà máy khai thác nước ngầm mới.
Khi giảm khai thác nước ngầm, Hà Nội phải tăng khai thác và sử dụng nước mặt để bù đắp. Tuy nhiên, do hàng loạt dự án nước mặt đang chậm tiến độ, nên việc thiếu nước là khó tránh khỏi. Thời gian gần đây, hàng loạt khu dân cư ở các quận huyện bị thiếu nước sinh hoạt. Điển hình là vụ việc mất nước sinh hoạt nghiêm trọng ở Khu đô thị Thanh Hà diễn ra trong tháng 10 vừa qua đã khiến cho cuộc sống sinh hoạt của hàng nghìn người dân ở khu đô thị này bị đảo lộn.
Chị Trần Thị An, ở tòa HH03D Khu đô thị Thanh Hà cho biết, việc mất nước sinh hoạt tại khu đô thị chị sinh sống khiến cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn, nhiều gia đình phải "tùy nghi di tản", hàng quán phải đóng cửa, kinh doanh sụt giảm. Có nhiều người phải thức xuyên đêm đi xách nước, thậm chí phải sử dụng lại nước thải sinh hoạt.
Chị An cho biết, Khu đô thị Thanh Hà có 23 tòa nhà với khoảng 16.000 dân. Trước khi mất nước cư dân đã phản ánh về nguồn nước nhiễm độc với các chỉ số amoni, asen, nitrit, nitrat, clo dư, pecmangan… tăng cao gấp mấy chục lần. Chất lượng nước trước đây không bảo đảm khiến cho nhiều người dân bị ảnh hưởng sức khỏe, như bị nổi mẩn ngứa, mề đay dị ứng, viêm nhiễm phụ khoa, đau mắt, chóng mặt, buồn nôn… "Sau đó, cư dân đã nhiều lần đề nghị trước khi cấp nước mới cần sục rửa đường ống, các bể chứa nhưng Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà không giải quyết. Đặc biệt điều khiến người dân không khỏi lo ngại khi nhà máy cấp nước sạch chỉ cách nghĩa trang chưa đầy 500m", chị An cho hay.
Tại Đà Nẵng, theo ông Hồ Minh Nam - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), chất lượng nước mặt vào mùa khô của TP Đà Nẵng thường bị nhiễm mặn, tại cửa thu nước nhà máy nước Cầu Đỏ độ mặn trung bình vượt hơn 1.000mg/l. Độ mặn cao nhất 8.192mg/l (ngày 29/8/2023).
Trước đây khi chưa nâng công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch, tình trạng nước sông bị nhiễm mặn đặt ra thách thức không nhỏ đối với an ninh nguồn nước tại Đà Nẵng.
Tuy nhiên, từ khi đưa vào vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch công suất 420.000 m3/ngày, khi có hiện tượng nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ thì nguồn nước thô từ Trạm bơm phòng mặn được dẫn về nhà máy nước Cầu Đỏ để xử lý và đảm bảo cấp nước an toàn cho toàn thành phố.
Vụ việc mất nước sinh hoạt nghiêm trọng ở Khu đô thị Thanh Hà diễn ra trong tháng 10 vừa qua
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về thực trạng cung cấp nước sạch tại TPHCM, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn Bùi Thanh Giang cho biết, dự báo, hiện tượng El Nino tác động trực tiếp đến Việt Nam từ nay đến hết tháng 5/2024. Theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực Tây Nguyên và Nam bộ (trong đó có TPHCM) là những vùng chịu tác động nặng nhất của đợt El Nino này.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lượng mưa trong mùa mưa năm 2023 không bằng trung bình các năm trước; đồng thời vào mùa khô nắng nóng hơn bình thường, dẫn đến khả năng thiếu hụt dòng chảy trên các lưu vực sông. Trong khi đó, 96% nguồn nước thô của hệ thống cấp nước TPHCM khai thác từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Thành phố nằm ở cuối lưu vực sông nên việc kiểm soát vấn đề nguồn nước nên sẽ gặp nhiều khó khăn.
"Đặc biệt, tình hình biến đổi khí hậu, vấn đề xâm nhập mặn cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước. Hiện độ mặn ở sông Sài Gòn và sông Đồng Nai tới ngưỡng 200mg/lít, nhiều thời điểm độ mặn vượt ngưỡng diễn ra từ 1-2 giờ. Với dân số hiện nay của TPHCM đông và tiếp tục gia tăng nhanh thì sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu được dự báo sẽ gây khó khăn, áp lực cho vấn đề cung cấp nước cho người dân", ông Bùi Thanh Giang phân tích.
Khan hiếm nước sạch cục bộ
Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ về thực trạng vẫn còn khan hiếm nước sạch cục bộ ở các vùng miền, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho biết, biến đổi khí hậu gây suy thoái các dòng chảy, nước dưới đất và xâm nhập mặn vào mùa khô; kết hợp với tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội, nước thải sinh hoạt, sản xuất (chỉ 15% nước thải đô thị được thu gom xử lý) đang gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới đất đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các trạm cấp nước.
Ông Tạ Quang Vinh nêu thực tế: Đối với khu vực đô thị, trong thời gian qua, cùng với việc phát triển, mở rộng đô thị, nhiều khu vực nông thôn đã trở thành đô thị và khu vực nông thôn lân cận đô thị đã được kết nối với hệ thống cấp nước của đô thị. Tuy nhiên, nhiều trạm cấp nước nông thôn cục bộ, phân tán có chất lượng xây dựng kém, chất lượng nước, chất lượng dịch vụ không đạt quy định, chưa được kế thừa hiệu quả gây lãng phí đầu tư. Ngoài ra, một số trạm cấp nước cục bộ, phân tán do tư nhân đầu tư vẫn duy trì hoạt động cấp nước đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân trong vùng phục vụ.
Còn tại khu vực nông thôn, hàng ngàn trạm cấp nước cục bộ, phân tán tại các khu dân cư nông thôn đang sử dụng nguồn nước ngầm hoặc sử dụng nguồn nước sông, suối nhỏ phải dừng hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả do nguồn nước bị ô nhiễm và cạn kiệt. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT khoảng 31,6% trong 18.000 công trình cấp nước nông thôn hoạt động kém bền vững hoặc không hoạt động.
Nỗ lực triển khai các giải pháp duy trì tỷ lệ 100% hộ dân trên địa bàn TPHCM được cung cấp nước sạch
Kết luận giám sát tình hình cung cấp nước sạch do HĐND thành phố Hà Nội công bố cuối tháng 9 cũng cho thấy, mạng cấp nước các quận đồng bộ, đáp ứng 100% nhu cầu của người dân với chỉ tiêu 100-150 lít/người/ngày. Nhưng với ngoại thành, nhiều dự án phát triển mạng cấp nước chậm tiến độ, nhà đầu tư không thực hiện. Hệ quả là 139 xã chưa có nguồn nước sạch tập trung.
Ông Lê Văn Du - Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội nhận định, với tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy và vận hành mạng lưới cấp nước như hiện nay, tình trạng khan hiếm nước sạch cục bộ ở nhiều khu vực còn tái diễn. Hè 2024, Hà Nội có nguy cơ thiếu hụt khoảng 50.000 m3 nước mỗi ngày đêm, tập trung ở phía tây và tây nam.
Thậm chí có một số dự án mạng cấp nước sạch nông thôn chủ đầu tư không thực hiện, như dự án phân phối nước sạch cho 26 xã của huyện Thường Tín, 20 xã thuộc Mỹ Đức, 27 xã ở Ứng Hòa và 17 xã ở Thanh Oai do Công ty CP Nước Aqua One và Công ty Nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư. Kế hoạch dự án hoàn thành vào năm 2020 nhưng hiện chưa hoàn thiện thủ tục để triển khai.
Tại Đà Nẵng, lượng mưa các tháng mùa khô 2023 sẽ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nên dòng chảy trên các sông hạ thấp. Dự báo lưu lượng dòng chảy trung bình trên sông Vu Gia (nguồn cung cấp nước thô cho Đà Nẵng) thiếu hụt khoảng 40-60%. Việc cạn kiệt nguồn nước tại các hồ chứa sẽ gây mất an toàn đối với việc đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho vùng hạ du trong mùa khô.
Trong trường hợp sông nhiễm mặn 1.000mg/l sẽ khai thác nước tại đập dâng An Trạch. Tuy nhiên, nếu lượng nước ở thượng nguồn về không đủ, mực nước đập dâng xuống dưới 1,6m thì một trong hai trạm bơm sẽ không vận hành được. Lúc đó sẽ ảnh hưởng đến việc cấp nước cho người dân.
Như vậy, việc bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân tại các đô thị đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Với các đô thị, chất lượng nguồn nước sinh hoạt là một trong những tiêu chí để đánh giá sự bền vững của đô thị. Bởi thế, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề "nóng" của không riêng địa phương nào.
Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1929/QĐ-TTg nêu rõ:
Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại các đô thị đạt 100%, với tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 120 lít/người/ngày đêm, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định; các khu công nghiệp được cấp nước đầy đủ theo yêu cầu áp lực và lưu lượng.
Tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 75%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch tại các đô thị dưới 15%; dịch vụ cấp nước liên tục, đủ áp lực 24 giờ trong ngày.
Nhóm PV
Bài 2: Hai nhóm giải pháp cấp bách cho 'cơn khát' nước sạch
Mỗi thầy, cô giáo luôn là tấm gương sáng rèn đức, luyện tài, yêu nghề, yêu người
(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng rằng, mỗi thầy giáo, cô giáo sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, luôn là tấm gương sáng về rèn đức, luyện tài, yêu nghề, yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; có cách tiếp cận mới trong dạy và học để mỗi tiết học thực sự bổ ích và lý thú, để mỗi ngày học thực sự là một ngày vui.
Thủ tướng phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu vào chiều 17/11 - Ảnh: VGP/Quang Thương
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu vào chiều nay (17/11).
Tham dự buổi gặp mặt có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và 60 thầy cô giáo tiêu biểu đại diện cho 1,6 triệu thầy cô giáo và cán bộ giáo dục trên cả nước.
Các nhà giáo vui mừng được gặp Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: VGP/Quang Thương
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; các thầy, cô giáo tiêu biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe và lời chúc mừng tốt đẹp nhất của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới tất cả các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh và các bậc phụ huynh trên cả nước nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2023. Với tình cảm chân thành, sự tri ân sâu sắc, Thủ tướng nhiệt liệt chào mừng các thầy, cô giáo có mặt tại buổi gặp mặt và thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt - Ảnh: VGP/Quang Thương
Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục-đào tạo
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ, đạo đức, văn hoá và con người Việt Nam. Ngay từ những bước đi đầu tiên trong quá trình trưởng thành, các thế hệ người Việt Nam đều biết và ngày càng thấu hiểu sâu sắc những câu ca dao, tục ngữ về công ơn của các thầy, cô giáo.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, giáo dục luôn tồn tại, phát triển cùng đất nước, đóng vai trò quan trọng như một trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của nước nhà.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và đã đạt được những kết quả quan trọng về tư duy, nhận thức, phương thức, quy mô, chất lượng dạy và học; về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo; về cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực; về hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo…
Đặc biệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Những kết quả nổi bật là: Hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được củng cố, duy trì. Giáo dục đã đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân.
Công bằng trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, các đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế.
Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Học sinh Việt Nam đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi Olympic. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới, tăng 5 bậc so với năm trước.
Giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tỉ lệ lao động qua đào tạo có việc làm phù hợp với kỹ năng nghề tăng; nhiều học sinh, sinh viên đạt giải thưởng cao trong các kỳ thi tay nghề khu vực, thế giới; lao động Việt Nam từng bước tham gia và đảm nhận nhiều vị trí công việc trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm.
"Đạt được những kết quả đáng tự hào nêu trên có sự đóng góp, cống hiến của đội ngũ nhà giáo-những người luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, yêu nghề; luôn nỗ lực tu dưỡng, nâng cao năng lực, khắc phục nhiều khó khăn, vượt qua nhiều thách thức để 'bám trường, bám lớp', hết mình truyền thụ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, tư duy, đạo đức nhằm phát triển toàn diện thế hệ tương lai của đất nước", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Những hạt nhân nòng cốt lan tỏa những giá trị tốt đẹp
Qua những chia sẻ chân thành, xúc động của các thầy, cô về chuyện đời, chuyện nghề, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ: Các thầy, các cô là những nhà giáo có nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo; là những hạt nhân nòng cốt lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới học sinh; thực sự là những tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo, tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp trồng người.
Đại diện các thầy cô giáo phát biểu tại buổi gặp mặt - Ảnh: VGP/Quang Thương
Thật đáng biểu dương các thầy, cô giáo không những làm tốt công tác chuyên môn, quản lý, mà còn tích cực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, áp dụng vào thực tiễn để nâng cao chất lượng dạy và học, công bố nhiều bài báo khoa học, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế cao quý; tích cực tham gia hoạt động xã hội, thiện nguyện, vì học trò và vì cộng đồng như cô Hoàng Thị Thái Hòa (Đại học Huế); thầy Lê Anh Tuấn (Đại học Phenika); thầy Nguyễn Hải Nam (Đại học Dược Hà Nội); thầy Nguyễn Trí (Bình Dương)…
Thật đáng tự hào khi có những thầy cô vừa làm tốt công tác giảng dạy trên lớp, vừa hướng dẫn, đào tạo nhiều em học sinh giỏi, tham gia và đạt được nhiều giải thưởng quốc tế, góp phần làm rạng danh giáo dục nước nhà, thể hiện bản lĩnh, tài năng, trí tuệ của học sinh Việt Nam như thầy Hoàng Văn Nam (Hà Tĩnh); thầy Lê Đức Thịnh (Hải Phòng)…
Thật đáng khâm phục những thầy, cô giáo bền bỉ băng suối, vượt đèo, gác lại nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, quyết "gùi con chữ" lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới hải đảo; những nhà giáo mang theo lòng yêu nghề, đức hy sinh và tình yêu học trò, ngày nối ngày kiên trì "cắm bản", cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, vào từng nhà, gặp từng người, vận động từng con em đi học để tri thức, văn hóa nẩy mầm sinh sôi trên những vùng đất khó như cô giáo Lầu Y Pay (Nghệ An); thầy Vũ Văn Tùng (Gia Lai); cô Phạm Thị Hồng (Yên Bái)…
"Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả đó của các thầy, các cô giáo trong suốt những năm qua, nhất là trong đại dịch COVID-19. Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi và đóng góp, cống hiến của đội ngũ nhà giáo nói riêng và toàn hệ thống giáo dục và đào tạo nói chung, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước ta trong những năm qua", Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.
Thủ tướng biểu dương các thầy, cô giáo không những làm tốt công tác chuyên môn, quản lý, mà còn tích cực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, áp dụng vào thực tiễn - Ảnh: VGP/Quang Thương
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Nhấn mạnh kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cho chúng ta những cơ hội, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức mới, nhất là đối với đội ngũ nhà giáo - những hạt nhân trong sự nghiệp "trồng người", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 29 của Trung ương, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học, chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh.
Phương châm đặt ra là: "Lấy học sinh làm trung tâm", "Lấy nhà trường làm nền tảng", "Lấy thầy, cô giáo làm động lực". Đồng thời bảo đảm yêu cầu đặt ra là: "Học thật, thi thật, nhân tài thật", "Thực tâm, thực tài, thực nghề".
Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng nêu lên một số vấn đề lớn đặt ra. Đó là, chúng ta đã, đang và sẽ phải làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo một cách hiệu quả? Trong bối cảnh, tình hình mới, công tác dạy và học cần thay đổi như thế nào cho phù hợp? Làm thế nào để "học" thực sự đi đôi với "hành"? Làm sao để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế chúng ta?
Giải pháp nào để vừa xây cho các em những kiến thức nền tảng, cơ bản, vừa tạo điều kiện để các em phát triển năng khiếu bản thân ở bất kỳ môn học nào? Chúng ta cần phát triển thể thao học đường như thế nào để các em phát triển đầy đủ cả về trí tuệ, thể chất và tinh thần?
Nghề giáo là nghề cao quý, vậy chính sách đãi ngộ thế nào là phù hợp để thầy, cô yên tâm công tác, không ngừng phấn đấu, cống hiến vì nền giáo dục nước nhà, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn?
Thủ tướng tặng quà đại diện các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh: VGP/Quang Thương
Để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong đó, tập trung, tổng kết đầy đủ, toàn diện, thực chất công tác đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29 của Trung ương.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh trường học, phòng, chống bạo lực trong trường học; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa học đường.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn... Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thực hiện đúng tinh thần: "Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên" nhưng phải hợp lý và hiệu quả.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với các thầy cô giáo tại buổi gặp mặt - Ảnh: VGP/Quang Thương
Muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy tốt
Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ nhà giáo là đặc biệt quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ, gợi mở với các thầy giáo, cô giáo một số suy nghĩ. Đó là, muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy tốt. Học sinh chỉ tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất nếu nhận được sự dìu dắt và chỉ bảo của thầy cô có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và phương pháp truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh.
Thành công của giáo dục không phải là nhồi kiến thức cho đầy, không chỉ là tạo ra những chuyên gia giỏi mà là thắp lên ngọn lửa đam mê, ươm mầm khát vọng, chắp cánh ước mơ, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đổi mới sáng tạo, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân-thiện-mỹ, tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Giáo dục đào tạo phải bám sát nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mọi người, mọi nhà, mọi bậc phụ huynh... hung tay, chung sức, sát cánh với ngành giáo dục và đào tạo, chung sức với các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người cao cả, chung tay xây dựng thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện với tinh thần thúc đẩy xã hội học tập, học tập suốt đời.
Về các đề xuất, kiến nghị tại buổi gặp mặt, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết sớm, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho công tác dạy và học, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Nguyễn Hoàng
Hàng không sẽ tiếp tục nỗ lực, đóng góp bền bỉ cho du lịch Việt Nam
(Chinhphu.vn) - Trong suốt thời gian qua, ngành hàng không mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 những đã nỗ lực, bền bỉ đóng góp cho sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam, để cùng ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cần xây dựng kế hoạch phát triển hàng không xanh và bền vững
Tại Hội nghị Phát triển du lịch nhanh, bền vững diễn ra sáng 15/11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng sau dịch COVID-19 và chính sách mở cửa của Chính phủ, thị trường đã có sự tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Hà tăng trưởng vận tải hàng không Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Đến hết 10 tháng năm 2023, thị trường vận tải hàng không quốc tế đã quay lại 97% so với trước dịch COVID-19. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đạt được mức 73%, Việt Nam cũng đang ở mức 72% so với trước dịch.
Hiện tại, Việt Nam đã đạt mục tiêu 10 triệu khách. Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Hà để đạt được mức 50 triệu khách quốc tế vào năm 2025 như gợi ý của Thủ tướng thì trong 7 năm tới có rất nhiều việc cần triển khai:
Thứ nhất, cần xem lại việc cập nhật Chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Chúng ta phải nhìn đến yếu tố cạnh tranh của Việt Nam so với các điểm đến khác trong khu vực, khi đó mới xây dựng được tốc độ tăng trưởng phù hợp. Tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam phải ở mức nhanh và đưa ra lợi thế cạnh tranh, để Việt Nam trở thành điểm đến trong khu vực.
Thứ hai, cần xây dựng chương trình quảng bá và xúc tiến du lịch có độ dày và rõ ràng. Cần có cơ quan theo dõi, đốc thúc và đảm bảo công tác triển khai. Bên cạnh đó, không thể chỉ một mình Cục Du lịch Việt Nam mà còn cần sức mạnh của nhiều ngành liên quan, của các bộ, ngành và của chính doanh nghiệp. Năm 2023 ngành du lịch Việt Nam có nhiều thuận lợi với nhiều hoạt động kỉ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, nhằm quảng bá du lịch Việt Nam. Do đó, kiến nghị ngay trong hoạt động hợp tác quốc tế của bộ, ngành, địa phương có phần giới thiệu về du lịch Việt Nam. Không chỉ giới thiệu tiềm năng du lịch Việt Nam mà còn về vẻ đẹp du lịch Việt Nam để mời gọi khách đến với Việt Nam cũng như quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới.
Thứ ba, cần xây dựng kế hoạch phát triển hàng không xanh và bền vững. Đây không chỉ là cam kết của Chính phủ tại COP26 mà còn là sự quan tâm của khách hàng với vấn đề du lịch xanh và bền vững. Nếu chúng ta không triển khai tốt việc này thì du lịch Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Ví dụ với hàng không đang thực hiện net-zero đến năm 2050, khí thải bằng 0, trong đó triển khai là sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường. Đến năm 2023 ngành hàng không phải sử dụng 10% loại nguyên liệu này. Để thực hiện được việc này, các hãng hàng không không thể tự làm được mà còn cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành để tổ chức và sản xuất được nhiên liệu sạch này để hàng không sử dụng.
Thứ tư, điểm kết nối dữ liệu khách du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đây là một lợi thế mà các hãng đều đang đẩy mạnh sử dụng chuyển đổi số và có những dữ liệu khách hàng. Cần có một cơ quan giúp kết nối, tổ chức những thông tin này để phục vụ khách du lịch tốt, nâng cao trải nghiệm của khách đến Việt Nam cũng như để khách đến và quay lại Việt Nam .
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holding - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Vietjet Air sẵn sàng xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holding chia sẻ với những khó khăn của ngành du lịch trong thời gian qua, dù ngành du lịch có những nỗ lực và kết quả nhất định trong năm 2023, nhưng đây cũng là giai đoạn đầy biến động, thách thức.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng, ngành hàng không chưa có lợi nhuận; du lịch, khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng. Những điểm đến quốc tế đẹp như đảo ngọc Phú Quốc, vịnh biển Nha Trang, con đường di sản miền Trung Huế - Đà Nẵng – Hội An, Kỳ quan Vịnh Hạ Long… cũng là mỗi nơi đang đóng băng vài chục nghìn phòng khách sạn, dịch vụ giải trí, nhà hàng đều ngưng trệ. Đây là những khối tài sản của quốc dân, xã hội, việc làm cho hàng trăm nghìn người trong khu vực du lịch.
Do đó, theo bà Phương Thảo, cần hành động khẩn trương để những điểm đến đông vui trở lại.
Bà Thảo cho biết, trước dịch COVID-19, mỗi ngày Vietjet có tới 40 chuyến bay quốc tế tới Nha Trang, nghĩa là khoảng 8.000 phòng khách sạn được lấp đầy, tương tự ở Đà Nẵng, Phú Quốc,…
Tại Hội nghị, đại diện Vietjet Air có một số đề xuất, kiến nghị để Việt Nam thành điểm đến của du lịch quốc tế đầy bản sắc về văn hoá, ẩm thực, nghỉ dưỡng…
Trước hết, cần tạo điều kiện để hàng không thu hút nhanh nhất, ngay dịp tháng 12/2023 và đầu năm 2024, đưa du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam, đến tất cả các sân bay quốc tế: Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vân Đồn, Hải Phòng, Huế,… bên cạnh TPHCM, Hà Nội. Trong nước phát động chương trình hành động quốc gia đẩy mạnh du lịch tới các sân bay, các điểm đến địa phương.
Việt Nam vừa qua có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực; đầu tư vào công nghệ, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cấp e-visa nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế là điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch..
"Chúng tôi sẵn sàng đưa ra các sáng kiến phát triển du lịch trên nền tảng giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thời đại mới. Xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia", bà Nguyễn Thị Phương Thảo khẳng định.
Bên cạnh đó, cần đầu tư vào công nghệ, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cấp e-visa nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế.
"Trong bối cảnh còn rất nhiều thách thức đối với cả ngành du lịch, hàng không, rất mong Chính phủ tiếp tục có các hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, ngành ngân hàng giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch", bà Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất.
Đồng thời, bà Phương Thảo đề nghị cần có các chính sách hỗ trợ về phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam, chính sách quản lý slot bay, quản lý hoạt động khai thác tại các Cảng hàng không để tăng năng lực thông qua các cảng hàng không. Phát triển hoạt động đào tạo, nhất là đào tạo nghề và tăng năng suất, chất lượng trong dịch vụ du lịch.
"Đồng hành cùng với du lịch, Vietjet sẽ tiếp tục nỗ lực, đóng góp bền bỉ cho du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Chúng tôi tin rằng, phía trước là tương lai tươi sáng cho hàng không du lịch và chúng ta hãy cùng hành động để tương lai ấy đến gần hơn", bà Phương Thảo nhấn mạnh.
(Chinhphu.vn) - Ngày 27/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Cuba do đồng chí Esteban Lazo Hernandez, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cộng hòa Cuba, dẫn đầu sang thăm Việt Nam và dự Lễ kỷ niệm 50 năm chuyến thăm của Lãnh tụ Fidel Castro tới Vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị, miền Nam Việt Nam (9/1973 - 9/2023).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez, Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cuba, sang dự Lễ kỷ niệm lần này, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước Cuba anh em đối với quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba, một lần nữa khẳng định ý nghĩa lịch sử, nguồn động viên to lớn của chuyến thăm của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam cùng câu nói bất hủ “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Đồng chí Tổng Bí thư bày tỏ vui mừng về quan hệ giữa hai Đảng, hai nước thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực, hai bên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên đến Việt Nam của Lãnh tụ Fidel Castro, qua đó tuyên truyền và giáo dục về truyền thống lịch sử của quan hệ hữu nghị đặc biệt cho nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Cuba.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng, gìn giữ và quyết tâm làm sâu sắc hơn mối quan hệ đoàn kết truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cuba và lập trường nhất quán luôn đoàn kết, ủng hộ Cuba, phản đối và kêu gọi chấm dứt chính sách bao vây, cấm vận chống Cuba. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc về quan hệ đoàn kết Việt Nam - Cuba, tình cảm của các đồng chí lãnh đạo, nhân dân Cuba.
Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành thời gian tiếp Đoàn và chuyển lời thăm hỏi của Đại tướng Raúl Castro, Lãnh tụ cách mạng Cuba; Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Díaz-Canel, các đồng chí lãnh đạo Cuba đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người bạn thân thiết của nhân dân Cuba.
Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez bày tỏ vinh dự đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cuba tham dự Lễ kỷ niệm đặc biệt năm nay và đánh giá cao những hoạt động kỷ niệm được tổ chức ở Việt Nam. Đồng chí khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba luôn coi trọng quan hệ đoàn kết truyền thống và hữu nghị đặc biệt Cuba - Việt Nam do Lãnh tụ Fidel Castro và Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp trong hơn 60 năm qua. Lãnh đạo và nhân dân Cuba mong muốn kế thừa và phát huy di sản vô giá đó để mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ gắn bó giữa hai Đảng, hai nước, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì chủ nghĩa xã hội, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới. Cuba xác định quan hệ với Việt Nam có ý nghĩa chiến lược. Lãnh tụ Fidel Castro đã phát biểu quan hệ Cuba - Việt Nam là biểu tượng của thời đại.
Đồng chí Tổng Bí thư bày tỏ vui mừng về quan hệ giữa hai Đảng, hai nước thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh thông điệp hết sức ý nghĩa của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cuba chuyển đến Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhân dịp này. Việt Nam luôn trân trọng và biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba anh em dành cho Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đồng chí Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba do Bí thư thứ nhất Díaz-Canel đứng đầu, nhân dân Cuba nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội VIII, quá trình cập nhật hóa phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ thành quả cách mạng và vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việt Nam chia sẻ những khó khăn của Cuba, sẽ luôn cố gắng nâng cao hiệu quả hợp tác, hết sức hỗ trợ Cuba trong khả năng của mình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez nhất trí tiếp tục củng cố nền tảng quan hệ chính trị giữa hai Đảng, làm định hướng cho phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước, đề nghị các bộ, ngành, tổ chức và địa phương hai nước hợp tác chặt chẽ, triển khai linh hoạt các thỏa thuận cấp cao, chương trình, hiệp định đã ký kết cùng với đó là việc tăng cường trao đổi lý luận, kinh nghiệm và lựa chọn các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, phương thức phù hợp để tạo bước phát triển mới trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục, công nghệ sinh học, y tế...
Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez thông báo đến đồng chí Tổng Bí thư tình hình Cuba. Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba, Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez bày tỏ vui mừng về những thành tựu Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đạt được trong quá trình đổi mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra; trân trọng chính sách trước sau như một ủng hộ, đoàn kết và hỗ trợ Cuba của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Esteban Lazo Hernandez đánh giá cao, cảm ơn sự hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Cuba từ trao đổi kinh nghiệm đến chuyển giao công nghệ, cử chuyên gia, hỗ trợ kịp thời gạo trong bối cảnh Cuba gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Esteban Lazo Hernandez trình bày về những kế hoạch, quan tâm hợp tác đầu tư của Cuba, khẳng định Chính phủ Cuba hoan nghênh, sẽ thực hiện cam kết và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Cuba, thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức và địa phương hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez cùng các đại biểu
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez chuyển lời chào và thăm hỏi thân thiết đến Lãnh tụ cách mạng Raúl Castro, Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba Díaz-Canel, các đồng chí Lãnh đạo và nhân dân Cuba anh em. Đồng chí Tổng Bí thư nhắc lại lời mời và mong muốn được đón đồng chí Raúl Castro và đồng chí Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Díaz-Canel, sớm thăm lại Việt Nam.